Ca khúc Công nhân Việt Nam - Sáng tác: Văn cao - Biểu diễn: Hợp ca Đài TNVN

HÀO HÙNG BÀI CA CÔNG NHÂN

Chỉ cần là tác giả của Tiến quân ca, bài Quốc ca của một đất nước anh hùng từng đánh thắng hai đế quốc lớn xâm lược, nhạc sĩ Văn Cao đã xứng đáng với lòng kính mến, ngưỡng mộ của nhân dân. Không chỉ có thế, Văn Cao là tác giả của rất nhiều bản chính ca, tình ca nổi tiếng và đáng chú ý ông chính là nhạc sĩ đầu tiên trong cả nước có nhạc phẩm viết về đội ngũ công nhân, giai cấp tiên phong của cách mạng Việt Nam.

Tôi muốn nói đến ca khúc Công nhân Việt Nam của nhạc sĩ Văn Cao ra đời năm 1945, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, cuộc tổng khởi nghĩa thành công trong cả nước. Giai điệu rộn rã âm vang trong nhịp đi hùng tráng: "…Ngoài kia công nhân ơi, quốc tế đang giơ tay cố vời bầy con đoàn kết…/Tranh đấu cuối cùng là đời sống mới dâng xa, công nhân Việt Nam tiến tới…". Bài Công nhân Việt Nam trở thành ca khúc nằm lòng của giai cấp công nhân nước ta thời đó tuy còn non trẻ nhưng dày dạn trong đấu tranh. Bài hát còn là cái mốc lớn trong sự nghiệp âm nhạc Việt Nam, có tác dụng thúc đẩy đội ngũ nhạc sĩ cả nước hướng về đề tài cổ vũ, động viên giai cấp công nhân đi đầu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc và thống nhất Tổ quốc.

Tiếp bước lá cờ đầu Công nhân Việt Nam của Văn Cao là một số ca khúc về công nhân liên tục ra đời. Đáng chú ý có bài Pha màu luống cày do nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác xuất hiện vào khoảng năm 1948 - 1949, viết về những người công nhân sản xuất phân bón phốt phát ở Nghệ An. Giai điệu bài hát tươi vui nhịp nhàng: "…Quặng ơi, ta nghiền mày ra ta làm phốt phát đem pha luống cày/Cho ngàn ngô lúa thêm bông sắn khoai thêm củ, cho lòng người no…". Có thể nói đây là ca khúc đầu tiên ở nước ta ca ngợi hình ảnh người công nhân với ngành nghề cụ thể.

Giờ đây niềm vui lao động sản xuất của người thợ trong từng ngành nghề đã được các nhạc sĩ chuyển thể thành muôn ngàn giai điệu phấn chấn tự hào. Hình ảnh người công nhân xây dựng thật đẹp trong các ca khúc Những ánh sao đêm (Phan Huỳnh Điểu), Em là thợ quét vôi (Đỗ Nhuận), Trên công trường rộn tiếng ca (Ngô Quốc Tính)… và thật lạc quan, yêu đời trong nhạc phẩm Bài ca xây dựng (Hoàng Vân): "…Bạn đời ơi, hãy tin, hãy yêu và hát cùng chúng tôi những người thợ xây tin yêu cuộc đời mới/Trong ánh trăng, trong khói bom, suốt bốn mùa tôi vẫn xây…".

Người công nhân ngành giao thông vận tải đã được các nhạc sĩ ngợi ca trong nhiều ca khúc vui khỏe, rộn ràng như chính hình ảnh các anh trên khắp nẻo đường đất nước. Mở đầu khá sôi động là giai điệu bài Ánh đèn cầu Việt Trì (Hoàng Hà). Tiếp đến một loạt bài: Nhịp cầu nối những bờ vui (Văn An), Về đây với đường tàu (Lưu Cầu), Đường tàu mùa xuân (Phạm Minh Tuấn), Tàu anh qua núi (Phan Lạc Hoa), Bánh xe lăn (Trần Kiết Tường), Tôi người lái xe (An Chung)…

Những tấm gương lao động quên mình của người thợ mỏ đã được phản ảnh khá rõ nét trong nhiều bài hát như Chúng tôi vào lò (Trần Chung), Đường đi lên mỏ (Tân Huyền), Hành khúc người thợ lò (Hồ Bắc), Hát về đất mỏ chiến khu (Doãn Nho)… và gây nhiều ấn tượng nhất đối với quần chúng có lẽ là ca khúc hoành tráng Tôi là người thợ lò (Hoàng Vân): "Tôi là người thợ lò sinh ra trên đất mỏ/Trong những ngày cờ đỏ bay trên núi Bài Thơ/… Kìa tiếng búa khoan reo như tiếng trống trận/Kìa nghe tiếng mìn nổ như tiếng súng công đồn…". Một ngành nghề mới mẻ, hiện đại của những người thợ khoan dầu mỏ giữa biển khơi mênh mông cũng đã gây được cảm hứng dạt dào cho người nhạc sĩ trong bài hát Mùa xuân đến từ những giếng dầu (Phạm Minh Tuấn): "…Mùa xuân đến rạo rực lòng ta/Mùa xuân đến làm đẹp bài ca/Mùa xuân từ những giàn khoan/Giữa biển khơi nghìn trùng sóng vỗ…".

Còn khá nhiều nữa, không thể kể hết những ca khúc hay và đẹp viết về công nhân qua đó hiện lên rạng rỡ hình ảnh tuyệt đẹp của những người ngày đêm đem sức lao động sáng tạo xây dựng và bảo vệ đất nước, xứng đáng với danh hiệu cao quý giai cấp tiên phong của cách mạng Việt Nam.

Nhạc sĩ Trương Quang Lục

(Theo sggp.org.vn)