Hội nghị được tổ chức bằng hình thưc trực tuyến tại điểm cầu của CĐGD Việt Nam tại Hà Nội và hơn 130 điểm cầu tại Công đoàn Giáo dục 63 tỉnh, thành phố và các đại học quốc gia, đại học vùng, các trường đại học, cao đẳng và đơn vị trực thuộc với tổng số trên 1.300 đại biểu tham dự.

Dự và chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có GS.TS Phùng Xuân Nhạ - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và đồng chí Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Cục NG&CBQLGD và Văn phòng Bộ GD&ĐT; Ban Kinh tế Chính sách và thi đua khen thưởng, Ban Tổ chức Tổng LĐLĐ; lãnh đạo của 10 Công đoàn ngành Trung ương trong khối thi đua; Ban Thường vụ Công đoàn cơ quan Bộ GD&ĐT. Về phía CĐGD Việt Nam có đồng chí Chủ tịch, các Phó Chủ tịch CĐGD Việt Nam và cán bộ công chức cơ quan CĐGD Việt Nam.

Tại các điểm cầu của 63 Công đoàn Giáo dục các tỉnh, thành phố có đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, thành phố và Ban chấp hành Công đoàn Giáo dục tỉnh, thành phố.

Tại điểm cầu các đơn vị trực thuộc có đại diện lãnh đạo đại học quốc gia, Đại học vùng và Ban chấp hành công đoàn các đại học quốc gia, đại học vùng, các trường đại học, cao đẳng và các đơn vị trực thuộc CĐGD Việt Nam.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu chính cùng 130 điểm cầu trực tuyến

Ngành Giáo dục đã có bước chuyển mạnh mẽ

Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Vũ Minh Đức - Chủ tịch CĐGD Việt Nam nhấn mạnh, nửa nhiệm kỳ qua, cùng với quá trình đổi mới đất nước, ngành Giáo dục đã có bước chuyển mạnh mẽ.

Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chương trình, kế hoạch của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ GD&ĐT được ban hành và triển khai thực hiện; qua đó đã có tác động lớn đến đội ngũ nhà giáo và hoạt động công đoàn.

Đồng chí Vũ Minh Đức - Chủ tịch CĐGD Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Đại hội XII Công đoàn Việt Nam xác định 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá gồm: đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động, chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện, bảo vệ người lao động; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn ngang tầm nhiệm vụ; đẩy mạnh công tác truyên thông đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XV CĐGD Việt Nam đã có những thuận lợi cơ bản nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức đòi hòi Ban chấp hành CĐGD Việt Nam phải năng động, sáng tạo, tìm giải pháp, cách thức tổ chức hoạt động phù hợp với đặc điểm của đoàn viên; góp phần vào ổn định và phát triển của ngành giáo dục; đồng thời nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn trong bối cảnh hiện nay.

Ban Thường vụ, Ban Chấp hành CĐGD Việt Nam luôn phát huy tính chủ động, sáng tạo, thực hiện nguyên tắc dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; có nhiều giải pháp để chỉ đạo hoạt động CĐGD các cấp phù hợp, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nguyện vọng của công đoàn cơ sở, CBNGNLĐ trong ngành, góp phần nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn.

Mục tiêu định hướng của cả nhiệm kỳ được cụ thể hóa cho từng năm học nhưng vẫn đảm bảo tính nhất quán và xuyên suốt.

Báo cáo tại hội nghị về tổng kết hoạt động công đoàn năm học 2019 - 2020, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm học 2020 - 2021, bà Nguyễn Thị Bích Hợp - Phó Chủ tịch CĐGD Việt Nam cho biết, ngành Giáo dục hiện có trên 52 nghìn trường học, cơ sở giáo dục, với trên 1,5 triệu cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ); trong đó, CĐGD Việt Nam trực tiếp chỉ đạo 59 đơn vị, gồm 5 công đoàn cấp trên cơ sở và 54 công đoàn cơ sở (CĐCS) các trường đại học, cao đẳng sư phạm, đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT với gần 40 nghìn CBNGNLĐ.

Đồng chí Nguyễn Thị Bích Hợp, Phó Chủ tịch CĐGD Việt Nam báo cáo tổng kết hoạt động công đoàn năm học 2019 - 2020, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm học 2020 - 2021

Năm học 2019 - 2020 với nhiều sự kiện và tình hình mới có những tác động lớn đến sự vận hành của ngành Giáo dục; trong đó Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi), Luật Viên chức có hiệu lực đã tác động lớn đến đội ngũ.

Khối giáo dục đại học đang tiếp tục trong lộ trình thực hiện tự chủ đại học, khối giáo dục phổ thông chuẩn bị cho thực hiện chương trình - sách giáo khoa 2018 - đã đặt ra những vấn đề mới công đoàn phải nghiên cứu và tham gia.

Nhiều hỗ trợ thiết thực

Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đã có hàng trăm nhà trường; hàng ngàn giáo viên, người lao động nhất là khối ngoài công lập bị ảnh hưởng về đời sống, thu nhập; ngành Giáo dục phải điều chỉnh kế hoạch và chương trình năm học...

Cùng với đó, những vấn đề về đời sống một bộ phận giáo viên còn nhiều khó khăn; điều kiện làm việc của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục còn nhiều bất cập, những chính sách về tuổi nghỉ hưu, những vấn đề liên quan đến sắp xếp đội ngũ giáo viên và chế độ chính sách khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đang đặt ra nhiệm vụ đối với tổ chức công đoàn ngành Giáo dục.

Trước tình hình đó, CĐGD Việt Nam đã thường xuyên nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư của CBNGNLĐ, báo cáo với Ban cán sự Bộ GD&ĐT và Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đồng thời có nhiều giải pháp thiết thực quan tâm, chăm lo vật chất, sức khỏe tinh thần cho đội ngũ CBNGNLĐ, điển hình như các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, CĐGD Việt Nam đã kịp thời có các văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng chống dịch. Các đơn vị đã nghiêm túc triển khai thực hiện; nhiều nhóm nhà giáo, nhà khoa học đã nghiên cứu, điều chế, pha chế thành công hàng ngàn lít dung dịch sát khuẩn để cung cấp cho CBNGNLĐ đồng thời hỗ trợ cho các đơn vị khác.

CĐGD Việt Nam đã đến thăm và chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh tại nhiều địa phương; hỗ trợ CBNGNLĐ của 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 11 Công đoàn các đơn vị trực thuộc, không trực thuộc CĐGD Việt Nam, với tổng kinh phí 564 triệu đồng cho 300 CBNGNLĐ;

Đồng thời trao tặng hàng vạn sản phẩm phòng chống dịch: nước rửa tay, nước xúc miệng, khăn mặt, khẩu trang cho các nhà trường, CBNGNLĐ trong đợt chống dịch.

Ngoài ra, huy động nguồn lực, đến thăm, động viên hỗ trợ gần 2 nghìn sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội đang phải ở lại tại ký túc xá khi có dịch với số quà tặng gồm 4 nghìn quả trứng gà, 55 thùng sữa với trị giá 30 triệu đồng.

Đây là món quà ý nghĩa, kịp thời động viên các sinh viên khó khăn để các em tiếp tục học tập, tránh hiện tượng sinh viên bỏ học, giảm số lượng sinh viên gây ảnh hưởng tới các nhà trường.

Nhiều đơn vị, trường học đã kịp thời thực hiện các chương trình hỗ trợ cho cán bộ, nhà giáo, sinh viên bằng nhiều hình thức linh hoạt như: hỗ trợ mua máy tính, hỗ trợ đường truyền, giảm học phí đồng thời đề ra các kế hoạch đáp ứng dựa trên các kịch bản về thời điểm học sinh, sinh viên đi học trở lại.

Trong năm học, về cơ bản, công đoàn các đơn vị đã làm tốt công tác đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của CBNGNLĐ; chế độ chính sách, quyền lợi được đảm bảo, dân chủ cơ sở được thực hiện hiệu quả; tổ chức các hoạt động công đoàn phù hợp với quá trình triển khai chủ trương tự chủ các trường đại học, cao đẳng trong giai đoạn hiện nay.

Tập trung vào chức hăng, nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của CBNGNLĐ trong ngành

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đánh giá cao kết quả mà CĐGD Việt Nam đạt được trong nửa nhiệm kỳ và năm học 2019 - 2020 vừa qua với 5 bài học kinh nghiệm và 3 nhiệm vụ trọng tâm. Bộ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian tới, CĐGD Việt Nam cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tập trung vào chức năng, nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của CBNGNLĐ trong ngành. Đối với giáo dục đại học phải chuyển biến mạnh mẽ về tự chủ đại học, công đoàn cần làm tốt vai trò của mình; đối với giáo dục phổ thông cần tập trung triển khai chương trình - sách giáo khoa mới, công đoàn cần đồng hành cùng với chuyên môn để tuyên truyền, động viên nhà giao, tránh tư tưởng ngại khó, ngại đổi mới; tiếp tục triển khai các phong trào thi đua, cuộc vận động lớn, trong đó tập trung phong trào thi đua "Dạy tốt - Học tốt", "Đổi mới sáng tạo trong dạy và học", cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", "Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm"; có nhiều giải pháp thiết thực hơn nữa để chăm lo tốt cho CBNGNLĐ để không ai bị bỏ lại phía sau; đồng thời tăng cường năng lực và kỹ năng cho cán bộ CĐGD các cấp để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động công đoàn.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu chỉ đạo Hội nghị

HN tổng hợp