Trường Đại học Vinh được thành lập từ năm 1959. Trải qua gần 60 năm xây dựng và phát triển, từ một trường đại học sư phạm đến nay trường đã trở thành một trường đại học đa cấp, đa ngành và đa lĩnh vực, xứng đáng là "Ngọn cờ hồng trên quê hương Xô Viết". Nhà trường vinh dự là trường đại học đầu tiên của Trung ương đóng trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mảnh đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống hiếu học, yêu nước và cách mạng.
Trong cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ gây ra đối với Miền Bắc, Nhà trường đã trải qua 8 năm sơ tán, gian nan tột bậc trên nhiều địa phương của các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Và trong những năm tháng đó, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa là một vùng đất đã yêu thương, che chở, đùm bọc cho cán bộ, sinh viên của Nhà trường.
Nhân dịp kỷ niệm 109 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2019) và chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Đại học Vinh (1959 - 2019), Công đoàn Trường Đại học Vinh đã tổ chức Chương trình Về nguồn nhằm thăm lại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.
Với những tình cảm nồng hậu, chính quyền và nhân dân huyện Thạch Thành đã chào đón đoàn công tác của Nhà trường trở về thăm lại vùng đất năm xưa Trường đã từng đóng chân. Đoàn cũng đã tặng quà cho 6 trường tiểu học trên địa bàn huyện; thăm Trường Tiểu học Thạch Bình là nơi đã từng "Thương nhau chia củ sắn lùi. Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng" với cán bộ, sinh viên khoa Toán trong những năm sơ tán.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm với đại diện lãnh đạo Huyện ủy, UBND, Phòng GD&ĐT huyện Thạch Thành
Đại diện Công đoàn Nhà trường tặng quà lưu niệm cho Huyện ủy, UBND, Phòng GD&ĐT huyện Thạch Thành
Đại diện Công đoàn Nhà trường tặng quà quỹ Khuyến học cho 6 trường Tiểu học trên địa bàn huyện Thạch Thành
Cũng trong chuyến đi, tập thể cán bộ Nhà trường đã có dịp đến thăm Thành Nhà Hồ và Khu di tích Lam Kinh.
Thành Nhà Hồ thuộc địa phận của tỉnh Thanh Hóa ngày nay từng là kinh đô của nước Việt Nam từ năm 1398 đến 1407. Đây là một trong những thành lũy bằng đá hiếm hoi còn sót lại tại Đông Nam Á. UNESCO đã công nhận Thành Nhà Hồ là Di sản văn hóa thế giới vì những giá trị văn hóa, lịch sử cùng kỹ thuật xây dựng độc đáo của công trình này mang lại.
Thành Nhà Hồ là Di sản văn hóa thế giới vì những giá trị văn hóa, lịch sử cùng kỹ thuật xây dựng độc đáo
Ảnh chụp tại Đàn tế Nam Giao
Khu di tích lịch sử Lam Kinh rộng 200 ha (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) là nơi anh hùng Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược. Sau khi chiến thắng, năm 1428, Lê Lợi lấy niên hiệu Lê Thái Tổ, đặt tên nước là Đại Việt.
Nhà vua đóng đô ở Thăng Long (Hà Nội) và dựng ở quê hương Lam Sơn một kinh thành gọi là Lam Kinh. Nơi này còn được gọi là Tây Kinh (để phân biệt với Đông Kinh - Hà Nội) có nhiều điện miếu, lăng tẩm quy mô lớn để thờ cúng tổ tiên, nơi an nghỉ của các nhà vua.
Ảnh chụp tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh
Chuyến đi của Công đoàn Trường Đại học Vinh về với xứ Thanh đã để lại trong lòng mỗi người những tình cảm xúc động không bao giờ quên và cũng là động lực cho thế hệ cán bộ trẻ của Nhà trường nâng niu, trân trọng những thành quả mà thế hệ các Thầy Cô đi trước đã gây dựng và tiếp tục phấn đấu, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự phát triển của Nhà trường.
Ban Nữ công