Ghi nhận sự "xả thân" của người làm công đoàn giáo dục
Phát biểu chúc mừng và cảm ơn những tập thể, cá nhân được vinh danh tại Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, 172 tập thể, cá nhân được tuyên dương là những bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa đẹp; là đại diện tiêu biểu cho hơn 50 nghìn công đoàn cơ sở giáo dục và 1,6 triệu giáo viên đã và đang có những đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị
Nhìn lại chặng đường 5 năm toàn ngành Giáo dục triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng đánh giá, đã có những bước chuyển rõ ràng. "Nếu từng năm thì chưa thấy rõ nét, nhưng 5 năm nhìn lại thì rõ ràng là đã có bước tiến đáng kể trong các cấp học, bậc học và các hoạt động giáo dục".
Dẫn giải những kết quả rõ nét thời gian qua, Bộ trưởng cho biết, đó là việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo cách khác biệt nhất từ trước đến nay khi lấy chương trình làm căn cốt, tiếp cận theo hướng giáo dục toàn diện và tiếp cận giáo dục quốc tế.
"Đây cũng là lần đầu tiên có một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa. Lần đầu tiên giáo viên được tham gia chọn sách - một việc mà chúng ta chưa có tiền lệ. Đến nay, những đổi mới cơ bản đã đi vào nề nếp, trong đó có vai trò chủ thể của các thầy cô giáo", Bộ trưởng nói.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng, kết quả phổ cập giáo dục các bậc học, chất lượng giáo dục phổ thông đại trà và mũi nhọn không ngừng tăng lên và được khẳng định ở tầm quốc tế, cũng là những dấu ấn của giáo dục trong 5 năm qua.
Nhấn mạnh tới những bước đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn vừa qua của giáo dục đại học, Bộ trưởng cho biết, chúng ta đi từ thí điểm tự chủ để đến hôm nay, tự chủ đại học đã được khái quát trong Luật và trở thành xu hướng, yêu cầu tất yếu.
Cụ thể, trong 5 năm, số lượng chương trình đào tạo được kiểm định quốc tế và vị trí của đại học Việt Nam trong các bảng xếp hạng khu vực và thế giới tăng lên nhanh chóng. Dù còn nhiều khó khăn song số lượng sản phẩm nghiên cứu khoa học và bài báo quốc tế của các trường đại học đã tăng gấp đôi. Theo Bộ trưởng, nếu nhìn vào nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học thì kết quả như vậy là rất nỗ lực.
"Tựu chung lại, 5 năm qua, chúng ta đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nòng cốt đóng góp vào kết quả đó là đội ngũ thầy cô giáo, trong đó có những người trực tiếp hoặc kiêm nhiệm làm công tác công đoàn giáo dục" - Bộ trưởng nói, đồng thời ghi nhận, biểu dương sự tâm huyết, "xả thân" của những cán bộ làm công tác công đoàn.
Để giáo viên được chia sẻ kinh nghiệm, gửi gắm tâm tư
Lưu ý một số hoạt động trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cần phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động như: Dạy tốt - học tốt; Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học; Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo; Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm, gắn với việc đẩy mạnh "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"…
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Chủ tịch CĐGDVN Vũ Minh Đức trao bằng khen, quà lưu niệm cho 34 tập thể được vinh danh tại Hội nghị
"Đây là những phong trào, cuộc vận động có ý nghĩa sâu sắc, tác động tích cực nên cần thực hiện tốt trong toàn ngành", Bộ trưởng nói.
Nhắc đến hai từ khóa "đổi mới" và "sáng tạo", Bộ trưởng nhấn mạnh, ở đâu giáo viên đổi mới sáng tạo, tâm huyết thì ở đó chất lượng giáo dục sẽ tốt, học sinh được thụ hưởng những lợi ích. Vì thế, đổi mới, sáng tạo không chỉ là nhiệm vụ đơn thuần mà còn là "mệnh lệnh từ trái tim" và là nhu cầu tự thân của mỗi nhà giáo.
"Tổ chức công đoàn ngoài việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động, còn phải là nơi kích hoạt tinh thần đổi mới, sáng tạo của giáo viên; là nơi để đội ngũ thầy, cô giáo gửi gắm tâm, tư nguyện vọng và tạo điều kiện, động lực để giáo viên được làm việc, cống hiến", Bộ trưởng yêu cầu.
Để hoạt động của công đoàn trở nên hấp dẫn, quy tụ được giáo viên, công đoàn viên, Bộ trưởng đề cập đến yêu cầu phải đổi mới hình thức, nội dung tổ chức các hoạt động công đoàn, trong đó mở rộng hình thức trực tuyến, tạo điều kiện để giáo viên được chia sẻ kinh nghiệm, giãi bày tâm tư, chứ không chỉ đơn thuần là trao đổi, thông tin một chiều.
Cho rằng, đổi mới là quá trình lâu dài, cam go và ở đó sẽ có khó khăn, vất vả, Bộ trưởng đề nghị, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công đoàn viên là các thầy cô giáo; đồng hành cùng thầy cô để tháo gỡ những khó khăn, bất cập.
Trong đó, một mặt tuyên truyền, cập nhật để giáo viên có đầy đủ thông tin về các chính sách, hoạt động liên quan đến quá trình đổi mới, tránh việc vì thiếu thông tin mà giáo viên "tâm tư"; mặt khác, kiên quyết bảo vệ mọi quyền lợi chính đáng cho đội ngũ nhà giáo.
Vinh danh 34 tập thể và 138 cá nhân
Tại Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua và cuộc vận động giai đoạn 2015 - 2020 đã có 34 tập thể và 138 cá nhân được vinh danh, khen thưởng. Đây là những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động Công đoàn, trong các phong trào thi đua, cuộc vận động do Công đoàn Giáo dục Việt nam triển khai giai đoạn 2015 - 2020.
Vinh danh các cá nhân công đoàn viên tiêu biểu
Hội nghị còn là dịp tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vân động do Công đoàn Giáo dục Việt Nam triển khai từ năm 2015 đến năm 2020 trong cán bộ, nhà giáo, người lao động đối với việc thực hiện nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn;
Đồng thời khẳng định những kết quả đạt được và chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, biện pháp chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động trong giai đoạn tiếp theo 2020 - 2025.
Qua đó khơi dậy và tạo động lực cho cán bộ, đoàn viên công đoàn thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết Đại hội XV Công đoàn giáo dục Việt Nam, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Trung tâm Truyền thông Giáo dục