Công đoàn góp phần quan trọng vào đổi mới giáo dục
Trong nhiệm kỳ qua, Công đoàn Giáo dục (CĐGD) các cấp đã tập trung thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ, nhất là bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín nhà giáo; triển khai các chương trình phúc lợi đoàn viên; chăm lo thiết thực CBNGNLĐ, quan tâm nhiều hơn đối với nhà giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, thiên tai, bão lũ; chú trọng các hoạt động tôn vinh nhà giáo tiêu biểu.
Đoàn học sinh thành phố Hà Nội chúc mừng Đại hội
Công tác tuyên truyền, giáo dục có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực, góp phần tạo được sự đồng thuận trong ngành và xã hội đối với chủ trương đổi mới giáo dục và đào tạo; nhận được sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng đối với nhà giáo, nghề giáo; chủ động tham gia quản lý, thực hiện tốt dân chủ trong các nhà trường; nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực nghề nghiệp đối với đội ngũ CBNGNLĐ đáp ứng yêu cầu mới.
Phát động, tổ chức hiệu quả phong trào thi đua, cuộc vận động mang tính ngành nghề sâu sắc, góp phần xây dựng và phát triển nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn được đổi mới; công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, kiểm tra giám sát được triển khai thực hiện nghiêm túc; bồi dưỡng, giới thiệu được nhiều đoàn viên ưu tú cho Đảng. Công tác đối ngoại được mở rộng, từng bước khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế của CĐGD Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
Chủ tịch CĐGD Việt Nam Vũ Minh Đức phát biểu khai mạc Đại hội
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc chăm lo, bảo vệ CBNGNLĐ ở một số nhà trường gặp khó khăn nhất là đối với các trường mầm non, tiểu học, trung học sơ sở. Một số vụ việc nhà giáo bị xâm hại danh dự, nhân phẩm, uy tín, lao động, việc làm chưa được phát hiện và bảo vệ kịp thời. Một số CĐCS còn chưa làm tròn trách nhiệm trong việc bảo vệ CBNGNLĐ. Việc thực hiện chế độ chính sách đối với CBNGNLĐ ở một số địa phương còn chậm.
Trong nhiệm kỳ mới, CĐGD Việt Nam sẽ tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động CĐGD các cấp để tập hợp đông đảo người lao động tham gia tổ chức công đoàn; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CBNGNLĐ, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín nhà giáo, nghề giáo; tăng cường phát triển lợi ích của đoàn viên công đoàn; đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục, tập trung nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ CBNGNLĐ, kỹ năng ứng xử, đạo đức, phong cách nhà giáo; xây dựng môi trường giáo dục văn hóa, dân chủ, kỷ cương, an toàn, thân thiện trong các nhà trường; đổi mới và triển khai có chiều sâu các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động trong ngành.
Công đoàn cần khơi dậy niềm tự hào, tạo niềm tin cho các thầy cô
Phát biểu tại đại hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đồng tình với báo cáo đánh giá kết quả hoạt động của công đoàn ngành trong nhiệm kỳ qua. Theo Bộ trưởng, những con số, minh chứng trong báo cáo cho thấy sự thẳng thắn của công đoàn trong việc nhìn nhận những việc đã làm được, chưa làm được trong thời gian qua.
Bộ trưởng đánh giá, hoạt động của CĐGD đã bám sát các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, của ngành; đồng hành cùng các nhiệm vụ lớn, các cuộc vận động, trở thành chỗ dựa tin cậy cho các thầy cô giáo, người lao động ngành Giáo dục; động viên, hỗ trợ kịp thời công đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, công tác ở miền núi hải đảo, vùng bị thiên tai.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu chỉ đạo Đại hội
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhận định, ở một số nơi, quyền lợi hợp pháp của nhà giáo chưa được bảo vệ đầy đủ, dẫn đến các thầy cô giáo hoang mang, thiếu chỗ dựa. Vấn đề dân chủ ở một số cơ sở còn làm chưa tốt, chưa sát sao, giáo viên, quản lý, hiệu trưởng chưa thực sự chia sẻ với nhau, vai trò của công đoàn còn chưa kịp thời.
"Công đoàn dù có chủ trương hay, kế hoạch tốt nhưng nếu người làm lãnh đạo, quản lý không thực sự hiểu, chia sẻ thì chủ trương kế hoạch đó cũng sẽ chỉ nằm trên giấy mà không đi vào thực tế được" - Bộ trưởng nêu rõ.
Bộ trưởng gợi ý, phương châm nhiệm kỳ mới của CĐGD Việt Nam phải thiết thực, khả thi, hiệu quả, gắn bó với công đoàn viên toàn ngành, không dừng lại ở khẩu hiệu mà các chương trình phải thể hiện được ước nguyện của công đoàn viên.
Trong đó, tập trung chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công đoàn viên; rà soát, lắng nghe từ cơ sở để nắm được tâm tư, nguyện vọng của công đoàn viên, kiến nghị kịp thời các cấp có thẩm quyền để giải quyết. Bộ trưởng lấy ví dụ như sự việc 500 giáo viên ở Đắk Lắk bị cắt hợp đồng thời gian gần đây và tới đây sẽ là quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết TW 19 về tinh giản bộ máy biên chế.
"Công đoàn giáo dục các cấp cần sát sao để kịp thời có ý kiến với địa phương trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế, đảm bảo đúng định mức giáo viên theo quy định. Lưu ý giảm đúng nơi, đúng người, chứ không phải giảm một cách cơ học" - Bộ trưởng nêu rõ.
Ban Chấp hành CĐGD Việt Nam khóa XV (nhiệm kỳ 2018 - 2023) ra mắt Đại hội
Nhấn mạnh đến việc bảo vệ nhân phẩm nhà giáo, Bộ trưởng cho rằng, phải có giải pháp căn cơ, từ nhận thức, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đến quy chế, quy tắc ứng xử trong nhà trường… Bên cạnh đó, Công đoàn cần chủ động làm tốt công tác tư tưởng cho đội ngũ nhà giáo; đẩy mạnh các phong trào, các cuộc vận động nhằm lan tỏa những nhân tố tích cực trong ngành.
"Gần đây, một số vụ việc về văn hóa ứng xử trong trường học xảy ra, dù chỉ là số nhỏ nhưng lại tác động mạnh đến dư luận nên nhiều thầy cô trong tâm trạng lo âu. Công đoàn Giáo dục cần có những cuộc vận động để khơi dậy niềm tự hào, tạo niềm tin cho các thầy cô trong sự nghiệp đổi mới. Chúng ta phải lấy "xây" để "chống". Giáo dục có được nhìn từ những mặt tốt đẹp thì mới khỏa lấp được mặt trái. Nhân rộng, chia sẻ cái tốt là việc chung của toàn ngành, trong đó không thể thiếu vai trò của công đoàn" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng lưu ý, CĐGD trong nhiệm kỳ mới cần làm tốt hơn công tác chăm lo cho giáo viên vùng sâu vùng xa; hỗ trợ giáo viên nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Nguồn: moet.gov.vn