Tham dự Hội thảo về phía Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An có TS. Nguyễn Thị Kim Chi - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở; NGƯT. Võ Văn Mai - Phó Giám đốc Sở; TS.NGƯT. Thái Huy Vinh - Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Nghệ An; ThS. Đặng Văn Hải - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Nghệ An. Về phía Trường Đại học Vinh có GS.TS.NGƯT. Đinh Xuân Khoa - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; GS.TS.NGƯT. Thái Văn Thành - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; TS. Phạm Thị Bình - Chủ tịch Công đoàn trường. Hội thảo còn có sự tham gia của đông đảo cán bộ, giảng viên, giáo viên đang công tác tại các trường đại học và các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Đại biểu tham dự Hội thảo
Từ khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, việc giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống cũng như việc xây dựng hệ giá trị đạo đức mới ở nước ta đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải được giải quyết, trong đó văm hóa học đường đang là vấn đề cần giải quyết hiện nay.
ThS. Đặng Văn Hải - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Nghệ An phát biểu khai mạc Hội thảo
Văn hóa học đường là môi trường để giáo dục và rèn luyện nhân cách con người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nếu môi trường học đường bị xuống cấp thì nhà trường không thực hiện được chức năng truyền tải tri thức, các giá trị, chuẩn mực văn hóa đến thế hệ trẻ. Tuy nhiên, xung quanh văn hóa học đường hiện nay đang có nhiều vấn đề đáng lo ngại. Thời gian qua, số vụ việc học sinh đánh nhau, học trò tấn công thầy giáo, hiện tượng phụ huynh đánh giáo viên ngay trong trường học; giáo viên thô bạo với học sinh bằng lời nói, hành động;... xuất hiện ngày càng nhiều, gây chấn động trong xã hội.
Phát biểu đề dẫn hội thảo đã đưa ra nhiều con số đáng lo ngại ngay tại Nghệ An. Cụ thể, qua lấy ý kiến của gần 300 giáo viên và hơn 1000 học sinh tại 22 trường trên địa bàn cho thấy: Đang có sự suy giảm về đạo đức trong học sinh phổ thông theo thời gian, cấp học. Càng lên cấp học trên, tỉ lệ học sinh hạnh kiểm tốt giảm xuống, thay vào đó là tỉ lệ hạnh kiểm trung bình và yếu tăng. Nếu ở bậc THCS, tỉ lệ học sinh đạt hạnh kiểm trung bình là 5% và yếu là 0,7% thì đến cấp THPT, tỉ lệ này tăng lên trung bình là 5,9% và yếu là 3,9%.
TS. Phạm Thị Bình - Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Vinh báo cáo đề dẫn Hội thảo
Nhận thức của giáo viên về vấn đề học đường cũng chưa được đầy đủ. Nhiều giáo viên khi được hỏi về văn hóa học đường tỏ ra lúng túng, chưa nhận thức sâu sắc về vấn đề này, điều đó làm ảnh hưởng đến việc tuyên truyền giáo dục học đường cho học sinh tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Chủ trì Hội thảo
Với những vấn đề nảy sinh, tại hội thảo, đã có nhiều ý kiến, tham luận của đại biểu đã được đưa ra xung quanh vấn đề "Xây dựng môi trường văn hóa học đường góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An", trong đó tập trung vào 8 nội dung chính:
- Thực trạng về văn hóa học đường trong nhà trường hiện nay;
- Sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường và xã hội trong việc xây dựng văn hóa học đường;
- Vai trò của tổ chức công đoàn trong việc xây dựng văn hóa học đường;
- Văn hóa học đường - Nhìn từ góc độ giáo viên;
- Giữ gìn và phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo ở trường học trong bối cảnh hiện nay;
- Ứng xử giữa các bên trong nhà trường hiện nay;
- Nhân rộng gương tốt và định hình lối sống đẹp trong xây dựng văn hóa học đường;
- Văn hóa học đường - Nhìn từ vai trò của cán bộ quản lý.
Một số tham luận tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Kim Chi - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An đã rất tâm huyết với nhiều ý kiến, tham luận trực tiếp tại Hội thảo. Với vai trò là lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh, TS. Nguyễn Thị Kim Chi yêu cầu việc xây dựng văn hóa nhà trường phải bắt đầu từ các cấp quản lý, lãnh đạo các trường học; sau đó đội ngũ nhà giáo cần coi giáo dục văn hóa là nhân tố quan trọng, từ đó chú trọng hình thành và phát triển nhân cách văn hóa cho học sinh, góp phần thực hiện phong trào "xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực".
TS. Nguyễn Thị Kim Chi - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An phát biểu
Đối với văn hóa học đường, GS.TS.NGƯT. Đinh Xuân Khoa - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh nhắc lại kỷ niệm "50 năm Bác Hồ gửi thư cho Ngành Giáo dục trước lúc đi xa". Nội dung bức thư thể hiện tư tưởng, triết lý sâu sắc về giáo dục và đào tạo, đầy chất nhân văn, cần được các nhà lãnh đạo, quản lý, các giáo viên, học sinh, sinh viên, học viên vận dụng vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế hiện nay. Những lời dạy tâm huyết của Bác có ý nghĩa lý luận và thực tiễn vô cùng sâu sắc, là phương châm, phương pháp cho những người làm công tác giáo dục hôm nay và mai sau. Người ân cần căn dặn, chỉ dẫn, định hướng, mong mỏi và yêu cầu: "Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng…" và "Dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn, nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra, và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật". Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ ấy, Bác căn dặn là phải đoàn kết chặt chẽ và phát huy dân chủ trong nhà trường: "Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó". Có thể thấy rằng, Bác Hồ là một người rất quan tâm đến giáo dục, đến văn hóa học đường, đến đoàn kết và dân chủ trong nhà trường.
GS.TS.NGƯT. Đinh Xuân Khoa - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh phát biểu
Kết luận Hội thảo khẳng định: Để xây dựng văn hóa học đường phải bắt đầu từ các cấp quản lý ngành, lãnh đạo. Các cấp quản lý cần phải có chủ trương, kế hoạch triển khai, có kiểm tra, nhắc nhở, đánh giá... Về phía đội ngũ nhà giáo cần coi giáo dục văn hóa là nhân tố quan trọng, từ đó chú trọng hình thành và phát triển nhân cách văn hóa cho học sinh. Ngoài ra, một môi trường văn hóa học đường phải được tạo dựng từ sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Qua đó, loại trừ được những biểu hiện văn hóa không lành mạnh nảy sinh từ bên trong, góp phần xây dựng môi trường văn hóa học đường ngày càng hoàn thiện, trong sáng.
Toàn cảnh Hội thảo
Thông qua hội thảo, Công đoàn Giáo dục Nghệ An và Công đoàn Trường Đại học Vinh kêu gọi toàn ngành giáo dục của tỉnh Nghệ An tăng cường hơn nữa việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa. Đồng thời, góp phần xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo./.