Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Ngọc Hiền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; PGS.TS. Nguyễn Hoa Du, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. Trần Bá Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Thường trực Hội đồng trường, Thường trực Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Hội đồng Đảm bảo chất lượng Trường Đại học Vinh; Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các trường thuộc; Lãnh đạo các viện, khoa đào tạo.

Về phía Công đoàn trường có TS. Phạm Thị Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo; ThS. Nguyễn Hồng Soa, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ tịch Công đoàn, Phó Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo; TS. Nguyễn Anh Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn; các đồng chí trong Ban Chấp hành Công đoàn Trường, Trưởng/Phó các Ban Công đoàn Trường, Ban Chấp hành các Công đoàn bộ phận của các trường, viện, khoa; Ban Tổ chức, Ban Nội dung Hội thảo và đông đảo cán bộ, đoàn viên, giảng viên toàn Trường.

Đại biểu tham dự Hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Nguyễn Anh Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, yêu cầu về chất lượng giáo dục và đào tạo ngày càng cao. Các trường đại học không chỉ cung cấp kiến thức mà còn phải chú trọng phát triển toàn diện năng lực cho sinh viên, bao gồm kỹ năng, thái độ và chuyên môn, để họ có thể đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của thị trường lao động hiện nay. Góp phần cùng với Nhà trường nâng cao chất lượng dạy học, phát triển năng lực cho sinh viên, Công đoàn trường đã tổ chức Hội thi "Giảng viên dạy giỏi" năm học 2023 - 2024 với những thành công đáng ghi nhận, tạo ra một không khí thi đua sôi nổi về dạy và học trong toàn trường.

Song song với Hội thi, Hội thảo "Dạy học phát triển năng lực cho sinh viên đáp ứng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo" đã được thông báo tổ chức. Qua 1 tháng triển khai, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 20 báo cáo từ các giảng viên, các nhà khoa học, cán bộ quản lý, bao gồm các lĩnh vực khoa học giáo dục, kinh tế, chính trị, công nghệ - kỹ thuật. Thông qua Hội thảo, Ban Tổ chức mong muốn giảng viên toàn Trường có những góc nhìn mới, những ý tưởng sáng tạo và những hướng đi thiết thực để nâng cao hiệu quả giảng dạy, phát huy năng lực người học, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.

TS. Nguyễn Anh Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn báo cáo đề dẫn Hội thảo

Trong hơn 2 giờ, Hội thảo đã được nghe hơn 8 báo cáo đến từ các giảng viên, các nhà khoa học, cán bộ quản lý. Nội dung của các báo cáo nằm trong khuôn khổ của nội dung hội thảo, xoay quanh các vấn đề nhằm phát triển năng lực người học, đáp ứng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo, bao gồm: Mô hình dạy học CFB là gì? Những ưu điểm, khó khăn và thách thức cùng các giải pháp khắc phục; Các demo triển khai cụ thể, chi tiết mô hình dạy học CFB thông qua các bài giảng cụ thể mà các giảng viên đã thực hiện và đạt kết quả cao; Cách tổ chức các hoạt động dạy học theo dự án, cách nâng cao chất lượng đồ án của sinh viên qua hình thức nghiên cứu khoa học; Ứng dụng ICT và AI trong giáo dục; Nghiên cứu và triển khai ứng dụng các phần mềm trong giảng dạy; Cách triển khai hoạt động kiểm tra, đánh giá theo chuẩn đầu ra...

Đặc biệt, PGS.TS. Cao Cự Giác, Phó Trưởng khoa Hóa học Trường Sư phạm, Trưởng nhóm Nghiên cứu Khoa học Giáo dục hiện đại, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Hội thi "Giảng viên dạy giỏi" năm học 2023 - 2024 đã có báo cáo làm rõ nét hơn việc dạy học đáp ứng chuẩn đầu ra qua góc nhìn từ Hội thi "Giảng viên dạy giỏi" vừa được tổ chức. Theo PGS.TS. Cao Cự Giác, ngoài chuẩn đầu ra chương trình, chuẩn đầu ra học phần thì giảng viên còn phải xác định được chuẩn đầu ra bài giảng nhằm lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp; đồng thời sinh viên cũng sẽ biết được mình cần học gì, học như thế nào để đạt chuẩn đầu ra và sau khi học xong sẽ làm được gì.

PGS.TS. Cao Cự Giác, Phó Trưởng khoa Hóa học Trường Sư phạm, Trưởng nhóm Nghiên cứu Khoa học Giáo dục hiện đại báo cáo tại Hội thảo

Một số báo cáo khác tại Hội thảo

Tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường cũng đã trình bày báo cáo: Phát triển chương trình đào tạo theo Bộ chuẩn Đảm bảo chất lượng 1.0. Theo GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển chương trình đào tạo hiện nay là chưa đánh giá được kết quả học tập theo chuẩn đầu ra.

Năm 2017, Trường Đại học Vinh đã xây dựng chương trình đào tạo theo tiếp cận CDIO. Việc áp dụng các tiêu chuẩn CDIO vào xây dựng chương trình đào tạo bước đầu đã tạo nên sự thay đổi về công tác phát triển chương trình đào tạo của Nhà trường. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của tri thức và công nghệ, yêu cầu của các bên liên quan (đặc biệt là nhà tuyển dụng) không ngừng tăng lên; năm 2022, Nhà trường đã điều chỉnh tầm nhìn trở thành đại học thông minh, hướng tới các chuẩn mực quốc tế cho tất cả các ngành đào tạo. Vì vậy, vấn đề đặt ra là đòi hỏi Nhà trường phải xây dựng các quy định về Bảo đảm chất lượng các chương trình đào tạo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia và một số tiêu chuẩn quốc tế theo lộ trình hội nhập.

GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường trình bày báo cáo tại Hội thảo

Trong báo cáo của mình, GS.TS. Nguyễn Huy Bằng đã đề cập lại các mô hình dạy học mà Nhà trường đang áp dụng, đồng thời đề xuất Công đoàn trường phát động cán bộ, đoàn viên, giảng viên toàn Trường tiếp tục xây dựng các mô hình dạy học mới hơn nữa để áp dụng mạnh mẽ và triệt để hơn nguyên lý "tương thích kiến tạo" trong thiết kế ở cấp độ chương trình và cấp độ học phần.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, TS. Phạm Thị Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo đã đánh giá cao đóng góp của các đơn vị, các báo cáo viên, thành viên Ban Tổ chức và các ban của Hội thảo. Hội thảo đã đạt được mục tiêu đề ra: Tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận về một số chủ đề trong dạy học phát triển năng lực, đáp ứng chuẩn đầu ra cho sinh viên; chia sẻ các kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm thực tiễn về dạy học phát triển năng lực tại các bộ môn/ngành đào tạo; đề xuất một số giải pháp, mô hình tổ chức hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá theo chuẩn đầu ra nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, đổi mới sáng tạo, rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp cho giảng viên, góp phần xây dựng các cơ sở giáo dục đại học thực sự đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay.

TS. Phạm Thị Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo tổng kết nội dung Hội thảo

Điều quan trọng và thực sự ý nghĩa trước mắt cũng như lâu dài là trên cơ sở trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm cũng như từ các ý kiến đề xuất, định hướng tại Hội thảo sẽ được giảng viên vận dụng thành công trong thực tế; được lan tỏa, mở rộng, thấm sâu trong các hoạt động dạy học của giảng viên toàn trường; góp phần nâng cao hiệu quả trong dạy học phát triển năng lực, đáp ứng chuẩn đầu ra cho sinh viên Trường Đại học Vinh. Đồng thời, giảng viên rất cần sự chia sẻ, thấu hiểu, đồng hành của Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu để có những chủ trương đúng đắn, kịp thời tháo gỡ khó khăn và tạo động lực nhiều mặt cho giảng viên nói riêng, viên chức và người lao động nói chung trong thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng đào tạo, giữ vững uy tín và vị thế của Trường Đại học Vinh trong bản đồ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam - TS. Phạm Thị Bình chia sẻ.

Kết thúc Hội thảo, Công đoàn Trường Đại học Vinh cũng đã tổ chức tổng kết, bế mạc và trao giải Hội thi "Giảng viên dạy giỏi" Trường Đại học Vinh năm học 2023 - 2024.

TT. ĐHV